Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2008/QÐ-BTTTT
Ngày 04 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Chương III
CẤP PHÉP SỬ DỤNG TẦN SỐ VÀ
THIẾT BỊ PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ
Điều 12. Điều kiện cấp phép
Các đối tượng nêu tại Điều 1 của Quy định này muốn được cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Việc thiết lập và sử dụng đài vô tuyến điện nghiệp dư chỉ nhằm mục đích tự đào tạo, nghiên cứu kỹ thuật thông tin không liên quan đến lợi nhuận.
- Thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định áp dụng.
- Có chứng chỉ KTVVTĐND hoặc Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài được công nhận theo điều 11 Quy định này.
Điều 13. Hồ sơ xin cấp phép
Hồ sơ xin cấp phép bao gồm:
- Đơn và bản khai xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư (Phụ lục 4).
- Bản sao chứng chỉ KTVVTĐND hoặc bản sao Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài được công nhận theo điều 11 của Quy định này.
- Bản sao Hộ chiếu cùng thẻ thường trú hoặc chứng nhận tạm trú hay thẻ tạm trú (đối với khai thác viên là người nước ngoài).
Điều 14. Gia hạn giấy phép
Trước khi hết hạn giấy phép 30 ngày, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng (không sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép) phải làm đơn xin gia hạn giấy phép.
Điều 15. Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép
1. Khi muốn sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến nghiệp dư trong thời gian hiệu lực của giấy phép, người có giấy phép phải làm hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung giấy phép. Hồ sơ gồm:
a) Đơn xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.
b) Bản khai bổ sung nếu có thay đổi.
c) Các tài liệu khác có liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung.
2. Trong thời hạn có hiệu lực của giấy phép, Cục Tần số vô tuyến điện được quyền thay đổi nội dung của giấy phép cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Việc thay đổi này sẽ được thông báo cho người có giấy phép biết trước khi cấp giấy phép theo nội dung mới.
Điều 16. Nơi tiếp nhận hồ sơ và giao nhận giấy phép
Nơi tiếp nhận hồ sơ và giao nhận giấy phép đối với trường hợp cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép tại một trong các địa điểm sau:
- Cục Tần số vô tuyến điện.
- Các Trung tâm Tần số vô tuyến điện thuộc Cục Tần số vô tuyến điện tại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Vinh, Nha Trang, Việt Trì.
Điều 17. Thời gian giải quyết cấp phép
- Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm giải quyết cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép (theo mẫu quy định tại Phụ lục 5) trong thời hạn tối đa là 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Đối với hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư của KTVVTĐND nước ngoài đến Việt nam trong thời gian dưới 30 ngày, thời hạn giải quyết là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. - Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn cho người xin cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Điều 18. Từ chối cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép
Trường hợp từ chối cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho người xin cấp phép trong thời hạn 05 ngày làm việc.
Điều 19. Phí và lệ phí tần số vô tuyến điện
Việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư; cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư đều phải trả phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.